Các hóa chất, chất gây ô nhiễm và vi trùng có thể gây hại cho phổi, dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), nhiễm trùng đường hô hấp, ung thư phổi... Một số thói quen ăn uống, tập luyện góp phần tăng chức năng phổi và phòng bệnh tốt hơn.
Thay đổi chế độ dinh dưỡng
Ăn nhiều ăn rau và trái cây: Người bệnh phổi nên tăng khẩu phần rau, trái cây giàu chất chống oxy hóa. Chúng có tác dụng bảo vệ phổi, giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, ung thư phổi, COPD. Các loại bổ dưỡng như việt quất, mâm xôi, táo, mận, cam, quýt, rau lá xanh, ớt chuông.
Hạn chế thịt đỏ: Nên chọn các loại thịt lành mạnh như thịt gia cầm không da vì cung cấp vitamin A dồi dào. Vitamin A có thể hỗ trợ cơ thể tiêu diệt vi sinh vật có hại từ niêm mạc phổi. Trong khi thịt đỏ lại làm tăng phản ứng viêm nhiễm.
Ăn cá béo: Cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi giàu axit béo omega-3, có đặc tính chống viêm, giúp tăng cường sức khỏe phổi.
Ăn nhiều đậu: Đậu đen, đậu thận, đậu lăng giàu protein, các vitamin và khoáng chất cần thiết để duy trì chức năng phổi.
Hạn chế thực phẩm chế biến, đóng gói sẵn: Các chất phụ gia và chất bảo quản trong thực phẩm đóng gói không có lợi, làm tăng độ nhạy cảm của phổi. Ưu tiên chọn thực phẩm tươi, chưa qua chế biến để không bị hao hụt chất dinh dưỡng.
Uống đủ nước
Uống đủ nước mỗi ngày giúp thải độc khỏi cơ thể, làm ẩm các mô đường hô hấp, ngăn chất nhầy tích tụ nhiều trong đường thở. Lượng nước khuyến nghị với người trưởng thành là 1,8 lít mỗi ngày và có thể thay đổi tùy theo mức độ hoạt động thể chất, thời tiết, thể trạng. Nước tiểu chuyển sang màu vàng đậm cho thấy cơ thể mất nước, cần bổ sung thêm.
Người bệnh phổi có thể ăn trái cây, rau quả có hàm lượng nước cao như dưa hấu, cà chua, dưa chuột.
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục làm tăng lượng máu đến phổi, cho phép cung cấp nhiều oxy hơn vào máu. Trong quá trình tập luyện, phổi đưa oxy vào cơ thể để cung cấp năng lượng, đồng thời loại bỏ carbon dioxide (CO2), chất thải. Tim bơm oxy đến các cơ đang thực hiện bài tập.
Các bài tập được khuyến nghị bao gồm đi bộ, nhảy dây, bơi lội, đạp xe. Để giữ sức khỏe, người bệnh nên tập thể dục vừa phải trong 30 phút, 5 ngày mỗi tuần. Người có vấn đề về phổi nên bắt đầu với cường độ nhẹ nhàng, tăng dần mức độ khi cảm thấy thoải mái.
Bỏ hút thuốc
Khói thuốc lá chứa nhiều hóa chất gây hại cho hệ hô hấp. Chất nicotin trong thuốc lá làm tê liệt lông mao, khiến chất độc hại có thể tích tụ, dẫn đến tắc nghẽn phổi và ho dai dẳng.
Các hóa chất trong thuốc lá còn có thể làm thay đổi cấu trúc tế bào của phổi, làm hẹp vách ngăn trong đường thở và giảm dung tích phổi. Hút thuốc còn có khả năng gây tổn thương phổi, dẫn đến các bệnh như ung thư phổi, hen suyễn, khí phế thũng, viêm phế quản mạn tính.
Thực hành các bài tập thở
Bài tập thở như thở mím môi, thở bằng cơ hoành giúp tăng lượng oxy cho cơ thể, hỗ trợ giải phóng carbon dioxide.
Thở mím môi tăng dung tích phổi, giảm khó thở. Bắt đầu bài tập bằng cách hít vào bằng mũi trong khoảng hai hoặc ba giây. Tiếp theo, mím môi và thở ra từ từ qua đôi môi mím lại trong 4-9 giây. Lặp lại 4-6 lần.
Thở bằng cơ hoành là phương pháp thở bằng bụng thay vì ngực. Cơ hoành (cơ nằm giữa lồng ngực và ổ bụng) là cơ thở chính. Thở bằng cơ hoành giúp phổi nhận được nhiều oxy hơn. Bắt đầu bài tập bằng tư thế thả lỏng vai, lưng, cổ. Đặt một tay lên bụng và một tay lên lưng. Sau đó hít sâu đến khi bụng căng phồng lên và thở ra. Cách thở đúng là bụng phồng lên khi hít vào, hạ xuống khi thở ra nhưng ngực và vai không cử động.